Vì sao cần cho trẻ quay trở lại trường sau thời gian nghỉ dịch kéo dài?
Vì sao cần cho trẻ quay trở lại trường sau thời gian nghỉ dịch kéo dài?Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ.
Việc được hưởng sự chăm sóc và phát triển tốt từ lứa tuổi trẻ thơ sẽ góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của trẻ. Giáo dục mầm non sẽ chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng như tự lập, sự kiềm chế, khả năng diễn đạt rõ ràng,… đồng thời hình thành hứng thú đối với việc đến trường tiểu học, tăng khả năng sẵn sàng để bước vào giai đoạn giáo dục phổ thông.
Để trẻ vào lớp 1 cần có 5 lĩnh vực phát triển là kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức; kỹ năng giao tiếp và hiểu biết chung; sự trưởng thành tình cảm; năng lực xã hội; sức khỏe và thể chất. Ngoài ra, trẻ được đi học mẫu giáo liên tục từ 3 - 5 tuổi có lợi thế nhiều hơn cho mức độ sẵn sàng đi học của trẻ không được đi học liên tục từ 3 - 5 tuổi, đặc biệt là ở lĩnh vực phát triển kỹ năng giao tiếp và hiểu biết chung. Vì vậy, những trẻ khi bắt đầu đi học lớp Một nhưng chưa được chuẩn bị thường bị thiệt thòi và thường khó có thể bắt kịp bạn bè.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Khoa Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết, học sinh khi phải học trực tuyến, qua truyền hình thời gian dài sẽ gặp các vấn đề về tâm lý và sức khỏe thể chất.
Theo đó, việc không được đến trường dẫn đến các mối quan hệ bạn bè, hoạt động vui chơi ngoài trời bị gián đoạn khiến trẻ dễ rơi vào hụt hẫng, cảm thấy cô độc, sợ hãi.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn. Một số phụ huynh chưa yên tâm cho con đến trường mầm non vì tâm lý còn ngại dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Tuy nhiên, để trẻ ở nhà quá lâu dẫn đến không có môi trường để trẻ vui chơi, giao lưu, giao tiếp, điều này khiến trẻ dễ rơi vào hụt hẫng, cảm thấy cô độc, sợ hãi. Bên cạnh đó, việc học qua các video nhiều, lặp đi lặp lại, bó hẹp trong gian nhỏ khiến trẻ dễ có cảm giác bị cô lập, bỏ rơi và buồn chán. Ngoài ra, việc ở nhà thời gian dài, tiếp cận với phương tiện Internet như điện thoại, tivi, Ipad, laptop nhiều nhưng thiếu kiểm soát dễ khiến trẻ lạm dụng game, rối loạn cảm xúc, kích động, hoang mang.
Điều này cực kỳ nguy hiểm với những trẻ trong độ tuổi mầm non. Sẽ gây mỏi mắt, mỏi tay, trẻ chậm phát triển tư duy... Tiếp xúc nhiều với điện thoại thông minh khiến trẻ có thói quen ở nhà, không thích giao tiếp với ai. Vì thế kĩ năng giao tiếp của trẻ sẽ không được phát triển. Trẻ khó tập trung, trẻ kém tự tin trong giao tiếp. Nặng hơn là khi sử dụng điện thoại quá nhiều, tia bức xạ của điện thoại sẽ tác động tiêu cực đến thần kinh của trẻ. Trẻ dễ bị rơi vào trạng thái trầm cảm. Do đó, nhà trường mong mỏi quý phụ huynh yên tâm cho con quay lại trường học sau thời gian nghỉ dịch quá dài. Để các con nhận được sự giáo dục tốt nhất từ đội ngũ giáo viên yêu nghề, yêu trẻ, giàu tâm huyết, để các con phát triển một cách tốt nhất, toàn diện nhất.
Theo các chuyên gia y tế hàng đầu thì tất cả mọi người đều có thể nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, trẻ em thường ít mắc bệnh và nếu chẳng may bị nhiễm Covid-19 thì biểu hiện cũng rất nhẹ và nhanh khỏi.
Nguồn: Mẫu giáo Phước Lại