TUYÊN TRUYỀN: CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN CHO TRẺ MẦM NON
BÀI TUYÊN TRUYỀN
CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN CHO TRẺ MẪU GIÁO

Sau đây kính mời quý vị phụ huynh đến với bảng tinh chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ mẫu giáo.CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN CHO TRẺ MẪU GIÁO

Sức khỏe tinh thần lành mạnh sẽ giúp trẻ phát triển tốt, xây dựng các mối quan hệ phù hợp, thích nghi và ứng phó với những căng thẳng trong cuộc sống. Một số vấn đề tâm lý trẻ mẫu giáo có thể gặp phải gồm: lo âu, rối loạn hoảng sợ, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn thách thức chống đối, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,...
Trong đó, rối loạn tăng động giảm chú ý (viết tắt là ADHD) là 1 hội chứng rối loạn rất thường gặp nhất ở trẻ hiện nay. Đặc trưng bởi sự giảm tập trung chú ý kết hợp với tăng hoạt động quá mức, thiếu kiềm chế. Theo bộ y tế, tại Việt Nam tỷ lệ trẻ mắc tăng động giảm chú ý dao động từ 3,2-9,3%. Tình trạng này thường gặp ở trẻ nhỏ từ 3 – 11 tuổi, bé trai nhiều hơn gái.
Trẻ tăng động giảm chú ý thường có những biểu hiện sau:
+ không có khả năng tập trung ở bất kỳ hoạt động nào, không nhớ bài giảng trên lớp, thường quên mọi thứ, thất lạc đồ đạc liên tục, kết quả học kém… do giảm chú ý.
+ Với những bé tăng động, gây ảnh hưởng tới mối quan hệ xung quanh, khó kết bạn, luôn muốn mình là người đi trước, không thể kiên nhẫn chờ tới lượt hay xếp hàng, không thể chờ mọi người nói hết câu;
+ bé lăng xăng chạy nhảy, không thể đứng yên một chỗ quá vài giây, leo trèo quá mức, không nghe lời thầy cô, ảnh hưởng trật tự trong lớp.
+ Trẻ có những hành động mạo hiểm, thể hiện sự phấn khích với hành động mạo hiểm đó, dễ bị chấn thương, tai nạn, có hành vi thách thức, chống đối cha mẹ.
+ Trẻ có thể nói rất nhiều trong giai đoạn đầu nhưng càng về sau sẽ chậm lại, khó diễn đạt bằng lời nói hoặc nói ngọng, không rõ từ ngữ
+ Trẻ tăng động thường nhạy cảm với các âm thanh, trằn trọc và khó đi vào giấc ngủ. Hàng đêm có thể tỉnh dậy bất chợt và khóc không rõ nguyên nhân
Nếu trẻ tăng động giảm chú ý trong một thời gian dài, không được phát hiện kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về cả trí tuệ và tâm lý. Vì vậy, khi thấy những dấu hiệu trẻ tăng động, kém tập trung; cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên gia để thăm khám và kịp thời chữa trị.
Theo các chuyên viên tâm lý, thời điểm dễ nhận biết trẻ mắc phải hội chứng này và dễ can thiệp nhất là từ 4-12 tuổi do hành vi hay thay đổi và chưa trở thành một thói quen. Đồng hành cùng trẻ trong hành trình này, không chỉ có chuyên viên tâm lý, bác sĩ tâm thần, mà phụ huynh cũng cần biết cách ứng xử, kịp thời kiểm soát, điều chỉnh hành vi của con khi ở nhà. Cha mẹ có thể tham khảo các lưu ý sau:
1. Giáo dục hành vi: Ca mẹ nên thiết lập thời gian biểu cho từng công việc hàng ngày để trẻ nghiêm túc thực hiện theo. Điều này giúp cải thiện khả năng tập trung, tổ chức lối sống khoa học hơn cho trẻ.
2. Động viên trẻ thường xuyên: Trẻ tăng động thường phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Chính vì vậy cha mẹ cũng nên động viên, khuyến khích, dành những lời khen ngợi hoặc phần thưởng nhỏ khi trẻ làm được việc tốt để trẻ có thêm động lực phát triển.
3. Quan tâm và trò chuyện cùng trẻ: Độ tuổi của trẻ rất dễ học hỏi được rất nhiều điều qua các câu chuyện, trò chơi. Do đó, cha mẹ nên dành thời gian để đọc sách, kể chuyện và cùng con chơi các trò chơi như lego, đá bóng, cờ vua… để giúp trẻ rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống, sự kiên nhẫn, khả năng tư duy và là cơ hội để gắn kết tình cảm gia đình.
4. Không chê bai, quát mắng nặng lời: Trẻ tăng động giảm chú ý thường rất nhạy cảm, có lòng tự trọng cao. Vì thế, cha mẹ phải luôn nhẹ nhàng khuyên bảo, nhắc nhở trẻ. Không nên lớn tiếng, chê trách vì trẻ dễ bị tổn thương và có thể gây nên một số hành động phản nghịch hơn.
5. Phối hợp chặt chẽ với nhà trường: Để dạy trẻ tăng động giảm chú ý, Cha mẹ có thể phối hợp với giáo viên nhà trường tác động để điều chỉnh hành vi của trẻ theo hướng tích cực hơn. Phụ huynh nên trao đổi với giáo viên về tình trạng của trẻ, để giáo viên giúp đỡ quan tâm tới trẻ và kịp thời thông báo với gia đình nếu trẻ có những biểu hiện gì bất thường trong lớp. Giáo viên thường xuyên quan tâm, động viên trẻ, tạo điều kiện cho trẻ thực hiện một số công việc vừa sức để giảm bớt năng lượng dư thừa của trẻ. Dạy trẻ tăng động giảm chú ý cần rất nhiều sự kiên nhẫn của bố mẹ và sự trợ giúp của mọi người xung quanh. Vai trò của nhà trường cũng rất quan trọng, trong việc thấu hiểu trẻ, có chương trình giảng dạy, tạo môi trường học phù hợp với trẻ. Nhưng chắc chắn với sự quan tâm và theo dõi sát sao từ gia đình, từ cô giáo tình trạng của trẻ sẽ được cải thiện hơn rất nhiều nếu được giáo dục đúng hướng.